Tài liệu hướng dẫn viết đề cương cao học, lĩnh vực khoa học máy tính, hệ thống thông tin, công nghệ phần mềm, do giảng viên Ngô Huy Biên hướng dẫn.

A. Công cụ viết đề cương

B. Nội dung đề cương

1. Giới thiệu tổng quan

  • Học viên cần trình bày ít nhất một hệ thống thực tế đã giải quyết vấn đề/bài toán tương tự.
  • Phát biểu vấn đề/bài toán sẽ giải quyết.
  • Tóm tắt ngắn gọn lịch sử một số hướng tiếp cận nổi bật, bao gồm cả giải pháp thủ công (trivial solution), cho bài toán.

2. Mục đích nghiên cứu

Học viên cần trình bày lý do thực hiện đề tài. Một số lý do thường gặp là

  • Muốn áp dụng mã nguồn giải pháp XYZ cho bài toán ABC trong một môi trường cụ thể (thường là trong một dự án của một công ty cụ thể).
  • Muốn hiệu chỉnh mã nguồn giải pháp XYZ cho bài toán ABC trong một lĩnh vực mới (thường kết quả sẽ là một dự án open source).
  • Muốn thử nghiệm mã nguồn giải pháp XYZ cho bài toán ABC trên một bộ dữ liệu mới (thường bộ dữ liệu mới là tiếng Việt).
  • Muốn thử nghiệm mã nguồn giải pháp XYZ cho bài toán ABC nhằm hỗ trợ giải quyết một bài toán khác (thường kết quả sẽ hỗ trợ cải tiến tính nằng của một hệ thống đang vận hành).

3. Đối tượng nghiên cứu

Học viên cần liệt kê các sản phẩm đã có sẵn, mô tả nội dung các sản phẩm, có thể bao gồm nhưng không giới hạn các sản phẩm sau:

  • Giải pháp dự kiến áp dụng, học viên cần mô tả chi tiết quy trình, kiến trúc, thuật toán, ngôn ngữ lập trình, và các công cụ của giải pháp XYZ đề xuất bởi bài báo đã tìm hiểu. Học viên cần cung cấp liên kết đến các mã nguồn đã công bố có thể tải về được, dạng footnote, nếu bài báo đã có mã nguồn.
  • Các nguồn dữ liệu và mã nguồn có sẵn dự kiến sẽ được dùng để nghiên cứu, học viên cần mô tả chi tiết cấu trúc của nguồn dữ liệu và mã nguồn này. Học viên cần cung cấp liên kết đến các bộ dữ liệu có thể tải về được, dạng footnote.
  • Ảnh chụp kết quả chạy thử nghiệm mã nguồn và dữ liệu có sẵn.
  • Các độ đo sẽ dùng để so sánh, đánh giá các kết quả thu được.
  • Kết quả hay hệ thống sẽ dùng để so sánh với các kết quả sẽ thu được. Học viên cần cung cấp liên kết đến các kết quả hay hệ thống này, dạng footnote.
  • Danh sách những người dự kiến sẽ khảo sát (nếu có).
  • Danh sách các công nghệ, công cụ, tài nguyên dự định sẽ sử dụng.

4. Các phương pháp nghiên cứu

Học viên cần liệt kê các công việc dự kiến sẽ tiến hành, có thể bao gồm nhưng không giới hạn các công việc sau:

  • Viết mã nguồn để chứng minh giải pháp đề xuất là khả thi.
  • Viết mã nguồn giải pháp cho hoàn cảnh lựa chọn.
  • Chỉnh sửa mã nguồn giải pháp cho phù hợp với hoàn cảnh lựa chọn.
  • Viết mã nguồn các công cụ hỗ trợ để sử dụng giải pháp.
  • Thu thập, phân tích dữ liệu để so sánh kết quả sau khi áp dụng giải pháp với trước khi áp dụng giải pháp dựa trên các độ đo.
  • Khảo sát ý kiến, xây dựng bảng đánh giá kết quả của việc áp dụng giải pháp vào bài toán cụ thể.
  • Xác định, giải quyết và tài liệu hóa các vấn đề tiềm ẩn.
  • Khảo sát ý kiến, xây dựng bảng đánh giá kết quả của hệ thống với ít nhất một hệ thống tương tự trong việc giải quyết vấn đề đặt ra.
  • Viết các các tài liệu kỹ thuật hướng dẫn chi tiết phương pháp tái tạo các sản phẩm.
  • Viết luận văn tổng kết lại toàn bộ quá trình thực hiện luận văn và mô tả, giải thích, thảo luận các kết quả.
  • Viết bài báo tóm tắt lại luận văn, nếu phương thức tốt nghiệp yêu cầu.

Các đề tài liên quan đến học máy, có thể bao gồm thêm nhưng không giới hạn các công việc sau:

  • Chuẩn bị dữ liệu.
  • Tạo dữ liệu mới.
  • Chỉnh sửa mã nguồn mô hình.
  • Viết mã nguồn mới cho mô hình, hay công cụ hỗ trợ.
  • Huấn luyện mô hình cũ và mô hình mới.
  • Đánh giá mô hình cũ và mô hình mới dựa trên dữ liệu thực nghiệm và độ đo.
  • Khảo sát ý kiến, xây dựng bảng đánh giá mô hình cũ và mới.
  • Viết mã nguồn hệ thống triển khai và biểu diễn mô hình cũ và mới.
  • Viết mã nguồn tích hợp mô hình cũ và mới vào một hệ thống phần mềm thực tế, có thể chỉ là bản mẫu.

5. Nội dung và phạm vi của vấn đề sẽ đi sâu nghiên cứu

Học viên cần liệt kê các sản phẩm KHÁC với những gì đã có sẵn, dự kiến thu được, có thể bao gồm nhưng không giới hạn các sản phẩm sau:

  • Mã nguồn hệ thống phần mềm (ứng dụng di động, ứng dụng web, dịch vụ web, công cụ hỗ trợ) được chỉnh sửa/tạo thêm/tạo mới.
  • Dữ liệu hệ thống phần mềm được chỉnh sửa/tạo thêm/tạo mới.
  • Hệ thống phần mềm sẽ được triển khai.
  • Dữ liệu kiểm thử hệ thống phần mềm.
  • Báo cáo so sánh với các hệ thống tương tự,
  • Các bảng dữ liệu khảo sát,
  • Dữ liệu lịch sử thể hiện việc áp dụng quy trình, thực hiện thí nghiệm,
  • Các tài liệu kỹ thuật hướng dẫn chi tiết phương pháp tái tạo các sản phẩm.
  • Bản luận văn hoàn chỉnh mô tả chi tiết cơ sở lý thuyết và các kết quả thu được,
  • Bài báo tóm tắt lại luận văn, nếu phương thức tốt nghiệp yêu cầu.

Các đề tài liên quan đến học máy, có thể bao gồm thêm nhưng không giới hạn các sản phẩm sau:

  • Mã nguồn huấn luyện mô hình học máy, mã nguồn dịch vụ triển khai mô hình, mã nguồn công cụ hỗ trợ được chỉnh sửa/tạo thêm/tạo mới.
  • Dữ liệu huấn luyện mô hình học máy được chỉnh sửa/tạo thêm/tạo mới.
  • Mã nguồn ứng dụng biểu diễn việc sử dụng mô hình học máy đã được triển khai.

6. Nơi thực hiện đề tài nghiên cứu của luận văn

Học viên cần thể hiện các nơi làm việc thực sự trong quá trình thực hiện luận văn.

7. Thời gian thực hiện

Học viên cần tạo bảng kế hoạch với những cột mốc phù hợp để hoàn thành luận văn, dựa vào những sản phẩm có sẵn trong phần 2.3, những công việc dự kiến sẽ thực hiện trong phần 2.4, các sản phẩm dự kiến sẽ tạo ra trong phần 2.5, các cột mốc thời gian của nhà Trường, và nguồn nhân lực và tài nguyên hiện có.

8. Tài liệu tham khảo

  • Học viên liệt kê các sách và bài báo, bao gồm bài báo ở phần 1. và ít nhất thêm 4 tài liệu là các sách, bài báo liên quan.
  • Học viên KHÔNG sử dụng các liên kết trong phần này. Các liên kết trong đề cương nếu có, ví dụ liên kết đến mã nguồn hoặc dữ liệu trên GitHub, học viên để trong Footnote tại trang đề cập.
  • Học viên cần thể hiện các tài liệu tham khảo theo đúng chuẩn thông dụng. Học viên nên sử dụng tính năng Cite (thể hiện bằng dấu nháy) của Google Scholar để xem mẫu trình bày tài liệu tham khảo. Học viên nên chọn chuẩn APA.

© 2024 Ngô Huy Biên