Hướng dẫn đề xuất đề tài khóa luận hoặc thực tập dự án tốt nghiệp
Tài liệu hướng dẫn sinh viên tập đề xuất đề tài khóa luận hoặc thực tập dự án tốt nghiệp do giảng viên Ngô Huy Biên hướng dẫn.
1. Tại sao nên tập đề xuất đề tài?
- Để đảm bảo đề tài sẽ thực hiện đúng với lĩnh vực mình quan tâm.
- Để đảm bảo đề tài sẽ giải quyết các vấn đề phù hợp với thực tế.
- Để đảm bảo phần mềm sẽ có các tính năng phù hợp với thực tế.
- Để nâng cao kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề trong công việc.
- Để nâng cao khả năng sáng tạo của cá nhân.
2. Đề xuất đề tài theo hướng ứng dụng
2.1. Xác định vấn đề
Sinh viên chọn 1 ứng dụng tương tự có sẵn phù hợp với mối quan tâm của mình, tổng hợp, phân tích, đánh giá các tính năng của các ứng dụng, dựa trên các định hướng sau.
- Những tính năng nào của ứng dụng mình đang sử dụng thực sự hằng ngày, nhưng đòi hỏi phải trả phí để được dùng.
- Điều gì mình đang cần mà ứng dụng không hỗ trợ.
- Điều gì mình đang cần mà ứng dụng thực hiện được, nhưng khó khăn.
- Điều gì làm mình không thoải mái, khó chịu trong quá trình sử dụng ứng dụng.
- Ví dụ, một số hạn chế của phần mềm Đo độ ồn có sẵn là:
- Tôi cần biết mức ồn tại một nơi cụ thể có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không, nhưng các ứng dụng hiện có chưa liên hệ tiếng ồn với việc ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Tôi muốn biết động cơ của xe hơi này có êm không, nhưng ứng dụng hiện có không hỗ trợ đo độ ồn và kiểm tra so với chuẩn sẵn có.
- Tôi muốn biết thính lực của mình có bình thường không, nhưng ứng dụng hiện có không hỗ trợ đo thính lực.
2.2. Xác định quy trình nghiệp vụ
- Sinh viên mô tả 1 quy trình nghiệp vụ hoàn chỉnh dự kiến sẽ thực hiện để đảm bảo ứng dụng có thể giải quyết một vấn đề trong thực tế. Quy trình nghiệp vụ có thể được thể hiện bằng business case kèm prototype.
- Sinh viên liệt kê các tính năng chính dự kiến sẽ thực hiện để hiện thực hóa quy trình nghiệp vụ vừa nêu.
2.3. Xác định giải pháp tổng quan
- Sinh viên mô tả các công cụ, ngôn ngữ lập trình, thuật toán, kiến trúc dự kiến sẽ dùng để hiện thực hóa quy trình nghiệp vụ hoàn chỉnh dự kiến ở trên.
- Giải pháp tổng quan có thể được thể hiện vắn tắt bằng mô hình, kèm theo giải thích bằng chữ trong trường hợp cần thiết.
3. Đề xuất đề tài theo hướng nghiên cứu
3.1. Xác định vấn đề
Sinh viên chọn 1 bài báo khoa học phù hợp với mối quan tâm của mình mà không có mã nguồn hoặc dữ liệu kèm theo, tổng hợp, phân tích bài báo, dựa trên các định hướng sau, để xem xét việc xây dựng lại mã nguồn hoặc dữ liệu cho giải pháp của bài báo.
- Bài báo giải quyết bài toán gì? Phần Introduction của bài báo thường sẽ đề cập đến thông tin này.
- Đã có những giải pháp nào khác được đề xuất để giải quyết bài toán bài báo đặt ra? Phần Related Work của bài báo thường sẽ đề cập đến thông tin này.
- Giải pháp của bài báo cho bài toán này là gì?
- Làm sao để so sánh các giải pháp với nhau? Phần Evaluation hoặc Performance, hoặc Case Study, hoặc Experience của bài báo thường sẽ đề cập đến thông tin này.
- Giải pháp của bài báo cho bài toán này đã được ứng dụng ở những hệ thống phần mềm thực tế nào hay chưa?
- Giải pháp của bài báo cho bài toán này có tiềm năng ứng dụng ở những hệ thống phần mềm thực tế nào?
3.2. Xác định kết quả dự kiến
- Kết quả là mã nguồn, hay dữ liệu, hay cả hai?
- Mã nguồn sẽ là thư viện hay khung ứng dụng?
- Mã nguồn sẽ ở dạng bản mẫu hay hoàn chỉnh?
- Làm sao để xây dựng mã nguồn hay dữ liệu cho giải pháp của bài báo?
3.3. Xác định giải pháp tổng quan
- Sinh viên mô tả các công cụ, ngôn ngữ lập trình, thuật toán, kiến trúc dự kiến sẽ dùng để xây dựng lại mã nguồn hoặc dữ liệu cho giải pháp của bài báo.
- Sinh viên mô tả các công cụ, ngôn ngữ lập trình, dữ liệu dự kiến sẽ dùng để đánh giá lại giải pháp của bài báo dựa trên mã nguồn hoặc dữ liệu sẽ xây dựng.
4. Gửi kết quả đề xuất đề tài
- Sinh viên ghi lại các thông tin liên quan đến đề tài đề xuất, dạng gạch đầu dòng, trong một file FDF.
- Sinh viên gửi cho giảng viên file PDF qua email đã trao đổi.