Hướng dẫn viết đề cương khóa luận hoặc thực tập dự án tốt nghiệp
Tài liệu hướng dẫn viết đề cương khóa luận hoặc thực tập dự án tốt nghiệp do giảng viên Ngô Huy Biên hướng dẫn.
1. Thông tin chung
- Sinh viên cần tạo bản nháp Đề cương để cùng giảng viên xem khả năng và thời gian có phù hợp với đề tài hay không.
- Sinh viên làm bản nháp Đề cương trực tiếp trên link Overleaf giảng viên đã khởi tạo và gửi trong Confluence.
- Khi làm bản nháp nếu có chỗ nào không rõ sinh viên tự đặt các giả định để hoàn thiện.
2. Nội dung đề cương
2.1. Phần Mục tiêu
Sinh viên liệt kê các mục tiêu dựa theo
- Trang Tên và mục tiêu đề tài trong Confluence,
- Các ứng dụng hoặc hệ thống tương tự mà sinh viên khảo sát, và
- Các ý tưởng sinh viên tự đề xuất thêm (nếu có).
Mỗi mục tiêu cần
- Ánh xạ đến một vấn đề thực tế, và
- Có sản phẩm tương ứng kèm theo hoặc kết quả có thể kiểm tra được.
2.2. Phần Phạm vi đề tài
Sinh viên liệt kê các tính năng của phần mềm có liên quan đến đề tài nhưng dự định sẽ KHÔNG làm.
2.3. Phần Cách tiếp cận dự kiến
2.3.1. Nếu sinh viên làm khóa luận theo hướng ứng dụng hoặc thực tập dự án tốt nghiệp thì cần trình bày
- Bản mẫu,
- Kiến trúc,
- Mô hình dữ liệu,
- Thuật toán,
- Các mục tiêu kiểm thử dự định (load testing, stress testing, penetration testing) sẽ được thực hiện trên hệ thống,
- Phương pháp so sánh, đánh giá hệ thống với các hệ thống tương tự, và
- Danh sách các công nghệ, công cụ dự định sẽ sử dụng.
- Sinh viên cần mô tả, giải thích cụ thể các sơ đồ.
- Nếu đề tài có liên quan đến học sâu, mô hình ngôn ngữ lớn thì sinh viên cần trình bày thêm
- Mô hình dự kiến sẽ áp dụng,
- Các nguồn dữ liệu dự kiến sẽ sử dụng,
- Các nguồn dữ liệu và mã nguồn có sẵn dự kiến sẽ được dùng để huấn luyện hoặc fine-tune nếu có,
- Tài nguyên GPU dự định sẽ sử dụng,
- Các độ đo sẽ dùng để đánh giá kết quả của mô hình,
- Ảnh chụp kết quả chạy thử nghiệm mô hình dự kiến sẽ áp dụng.
2.3.2. Nếu sinh viên làm khóa luận theo hướng nghiên cứu thì cần trình bày
- Các nghiên cứu liên quan trực tiếp đến đề tài,
- Các mô hình dự kiến sẽ mở rộng hoặc cải tiến,
- Các nguồn dữ liệu và mã nguồn có sẵn dự kiến sẽ được dùng để huấn luyện hoặc tinh chỉnh (fine-tune),
- Tài nguyên GPU dự định sẽ sử dụng,
- Các độ đo sẽ dùng để để so sánh, đánh giá các kết quả thu được,
- Ảnh chụp kết quả chạy thử nghiệm huấn luyện và suy luận bằng mã nguồn và bộ dữ liệu có sẵn, và
- Bản mẫu
2.4. Phần Kết quả dự kiến của đề tài
2.4.1. Nếu sinh viên làm khóa luận theo hướng ứng dụng hoặc thực tập dự án tốt nghiệp thì cần trình bày các sản phẩm liên quan đến phần mềm dự kiến sẽ thu được ở đây, ví dụ như
- Mã nguồn ứng dụng di động,
- Mã nguồn ứng dụng web,
- Mã nguồn dịch vụ web,
- Dữ liệu mới tạo được,
- Báo cáo các kết quả kiểm thử,
- Báo cáo so sánh với các hệ thống tương tự,
- Các tài liệu kỹ thuật hướng dẫn chi tiết phương pháp tái tạo các sản phẩm của khóa luận.
- Nếu đề tài có liên quan đến học sâu, mô hình ngôn ngữ lớn thì có thể có thêm các sản phẩm sau
- Dữ liệu chỉnh sửa/tạo thêm/tạo mới,
- Mô hình đã được huấn luyện hoặc tinh chỉnh (fine-tuned),
- Mã nguồn công cụ xử lý dữ liệu,
- Dịch vụ triển khai mô hình.
2.4.2. Nếu sinh viên làm khóa luận theo hướng nghiên cứu thì cần trình bày các sản phẩm KHÁC với những gì đã có sẵn, dự kiến sẽ thu được ở đây, ví dụ như
- Mã nguồn huấn luyện hoặc tinh chỉnh (fine-tune) mô hình được chỉnh sửa/tạo thêm/tạo mới,
- Dữ liệu chỉnh sửa/tạo thêm/tạo mới,
- Mô hình đã được huấn luyện hoặc tinh chỉnh,
- Mã nguồn công cụ xử lý dữ liệu,
- Dịch vụ triển khai mô hình,
- Ứng dụng biểu diễn việc sử dụng mô hình đã được triển khai,
- Các tài liệu kỹ thuật hướng dẫn chi tiết phương pháp tái tạo các sản phẩm của khóa luận,
- Dữ liệu, báo cáo các kết quả đánh giá, so sánh với các nghiên cứu liên quan,
- Dữ liệu, báo cáo kết quả khảo sát.
2.5. Phần Kế hoạch thực hiện
- Sinh viên dựa vào phần Mục tiêu, phần Kết quả dự kiến của đề tài, các cột mốc thời gian của Khoa, và nguồn nhân lực của nhóm để đưa ra kế hoạch phù hợp.
- Sinh viên đăng ký một tài khoản miễn phí tại Preceden và trình bày trong tối đa 10 cột mốc với các sản phẩm tương ứng.
- Một số cột mốc quan trọng cần phải có:
- Ngày bắt đầu (ngày bắt đầu làm đề cương).
- Ngày kết thúc (ngày nộp đơn đăng ký bảo vệ theo dự kiến của Khoa, các em cần tìm thông tin này trong thông báo kế hoạch năm học của Khoa phù hợp với chương trình đào tạo của mình).
- Ngày hiện tại.
- Ngày nộp đơn đăng ký thực hiện đề tài (ngày nộp đơn đăng ký thực hiện đề tài của Khoa, các em cần tìm thông báo trên trang web của Khoa phù hợp với chương trình đào tạo của mình).
- Ngày nộp đề cương cho Khoa (ngày nộp đề cương theo dự kiến của Khoa, các em cần tìm thông tin này trong thông báo kế hoạch năm học của Khoa phù hợp với chương trình đào tạo của mình).
- Ngày dự kiến bắt đầu và kết thúc việc phát triển phần mềm hoặc thực hiện công việc nghiên cứu của đề tài.
- Ngày dự kiến bắt đầu và kết thúc việc hoàn thành các tài liệu kỹ thuật của đề tài (Tài liệu hướng dẫn biên dịch, Tài liệu hướng dẫn triển khai, Tài liệu hướng dẫn kiểm thử, Tài liệu hướng dẫn sử dụng).
- Ngày dự kiến bắt đầu và kết thúc việc hoàn thành quyển báo cáo của đề tài.
- Các cột mốc khác, kèm sản phẩm, do sinh viên tự đề xuất, nếu có.
- Các công việc nào đã hoàn thành các bạn để màu xanh, đang tiến hành các bạn để màu vàng, chưa làm các bạn để màu đỏ.
2.6. Phần Tài liệu tham khảo
- Sinh viên chỉ liệt kê các sách và bài báo, và cần có ít nhất 5 tài liệu tham khảo.
- Sinh viên KHÔNG sử dụng các liên kết trong phần này. Các liên kết trong đề cương nếu có sinh viên để trong Footnote tại trang đề cập.
- Sinh viên cần thể hiện các tài liệu tham khảo theo đúng chuẩn thông dụng. Học viên nên sử dụng tính năng Cite (thể hiện bằng dấu nháy) của Google Scholar để xem mẫu trình bày tài liệu tham khảo. Sinh viên nên chọn chuẩn APA.